Mỹ là nước có lượng Việt Kiều và kiều hối lớn nhất về Việt Nam nhưng tính trung bình mỗi người Việt tại Đức lại gửi nhiều tiền về Việt Nam hàng năm nhất. Nhật Bản tuy có lượng người Việt đang sinh sống lớn thứ 2 nhưng lượng kiều hối trung bình lại xếp gần cuối bảng, chỉ hơn Trung Quốc.
Mới đây trang báo điện tử VnExpress đã có bài thống kê về lượng kiều hối hàng năm về Việt Nam với nhiều thông tin bất ngờ. Qua đó, lượng kiều hối tăng trưởng đều đặn hàng năm và hiện tại mỗi năm đồng bào ở nước ngoài gửi về Việt Nam hơn 18 tỷ đô la, theo các số liệu tính toán được. Số lượng thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Con số này chiếm tới 5% GDP của Việt Nam.
Qua đó, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới cùng với các nước là Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines, SAudi Arabia, Pakistan, Pháp, Bangladesh, Đức.
Lượng kiều hối của Việt Nam đổ về từ Việt Kiều ở khắp nơi trên thế giới, thế nhưng có những đất nước là thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam hoá ra lại không mang về nhiều kiều hối như chúng ta nghĩ.
Xếp về số lượng người Việt thì Mỹ chiếm nhiều nhất với hơn 1,4 triệu người. Điều này là dễ hiểu bởi lượng lớn người Việt di cư sau năm 1975 đã định cư tại Mỹ. Mỹ cũng là quốc gia mà lượng kiều hối về Việt Nam lớn nhất chiếm gần 50% tổng lượng kiều hối. Xếp sau về số lượng người Việt đang sinh sống là Nhật bản, Trung Quốc, Úc, Canada, Hàn Quốc.
Nếu chia trung bình lượng kiều hối trên mỗi người Việt theo từng nước thì Đức là quốc gia đứng đầu với trung bình mỗi Việt Kiều Đức gửi về Việt Nam khoảng gần 6000$ (khoảng 150 triệu đồng/năm).
Trong đó đáng chú ý là Nhật Bản, Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng lượng kiều hối tương đối khiêm tốn và giá trị trung bình mỗi người gửi về hàng năm chưa tới 600$ tức là chưa bằng 1/10 một người từ Đức gửi về. Điều này có thể lý giải như sau.
Ở 3 nước có giá trị trung bình kiều hối lớn nhất là Đức, Canada, Mỹ thì đa phần người Việt đang sinh sống là những kiều bào định cư lâu dài. Họ đã an cư, lạc nghiệp nên có mức thu nhập cao tương ứng với mức thu nhập đầu người của nước sở tại. Hoặc như nước Đức gần đây có du học nghề nhưng đây là du học có đào tạo nghề nên khi ra trường được ở lại định cư với mức lương tương đối cao.
Trái lại người Việt ở Nhật tương đối phong phú nhưng đa phần là lao động phổ thông ngắn hạn 3-5 năm hoặc du học sinh. Với lao động phổ thông Việt Nam thì mức thu nhập không thể như người bản địa còn với du học sinh thì đa phần thu nhập từ đi làm thêm vốn dĩ cũng phải chi trả phần lớn cho chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Bên cạnh đó, mỗi người Việt từ Hàn Quốc lại gửi về gần 3400$ hằng năm, mức tương đối khá và xếp thứ 7. Ngoài ra Malaysia cũng là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam nhưng mức kiều hối trung bình khá thấp, mỗi năm chỉ khoảng gần 1300$. Thậm chí mức này chỉ bằng 1 nửa GDP/đầu người của Việt Nam. Vì thế nên thị trường Malaysia đang ngày càng kém hấp dẫn.
Một điểm bất ngờ là người Việt ở Campuchia gửi về tới hơn 3400$ hàng năm xếp thứ 6 , cao hơn cả từ Hàn Quốc. Điều này có thể lý giải bởi người Việt ở Campuchia đa phần là định cư lâu dài và họ có cuộc sống và mức thu nhập cao hơn hẳn người bản địa. Nhiều người sang đầu tư và phát triển kinh doanh nên có mức thu nhập cao.
Bản quyền bài viết thuộc Du học Đức BLA. Tham khảo số liệu từ báo điện tử VnExpress: https://vnexpress.net/kieu-hoi-ve-viet-nam-nhieu-co-nao-4421073.html